Cơ cấu nền kinh tế là một khái niệm chỉ sự phân bố và tổ chức của các yếu tố sản xuất và hoạt động kinh tế trong một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Cơ cấu kinh tế mô tả cách mà các ngành công nghiệp, lĩnh vực kinh tế, và các phần khác của nền kinh tế được xây dựng và hoạt động.
Cơ cấu nền kinh tế là một khái niệm chỉ sự phân bố và tổ chức của các yếu tố sản xuất và hoạt động kinh tế trong một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Cơ cấu kinh tế mô tả cách mà các ngành công nghiệp, lĩnh vực kinh tế, và các phần khác của nền kinh tế được xây dựng và hoạt động.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Theo đó, căn cứ vào nơi mà người lao động làm việc thuộc vùng nào để xác định mức lương tối thiểu vùng theo quy định trên.
Tóm tắt: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Song, những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài của nền kinh tế làm cho nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình là có thể. Từ quan niệm về bẫy thu nhập trung bình, bài viết chỉ ra các nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam và đưa ra một số hàm ý chính sách để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Từ khóa: Bẫy thu nhập trung bình; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; năng suất lao động.
OVERCOMING THE MIDDLE-INCOME TRAP: A LOOK FROM THE VIETNAM ECONOMY SITUATION TODAY
Abstract: Recently, Vietnam has achieved important achievements in the transition from a low-income country to a middle-income country. However, the internal difficulties and external challenges of the economy make the risk of Vietnam falling into the middle-income trap possible. Based on the concept of the middle-income trap, the article points out the risks of falling into the middle-income trap in Vietnam and offers some policy implications for Vietnam to overcome the middle-income trap. Keywords: Middle income trap; economic restructuring; labor productivity. 1. Đặt vấn đề Khái niệm bẫy thu nhập trung bình trong những năm gần đây đã trở nên quen thuộc với các nhà phân tích và các chuyên gia kinh tế. Đây được xem là “tấm trần thủy tinh” vô hình ngăn cản nhiều quốc gia trên thế giới vươn tới mức thu nhập cao. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa chính xác về bẫy thu nhập trung bình. Hầu hết các khái niệm đề cập đến bẫy thu nhập trung bình đều dưới dạng mô tả những điểm đặc trưng của các nước được cho là đang rơi vào bẫy. Theo thuật ngữ kinh tế, bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển. Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập trung bình đã đạt được nhờ khai thác tài nguyên và những lợi thế nhất định ban đầu như lao động giá rẻ, mà không được vượt qua được ngưỡng đó để đưa thu nhập lên mức cao hơn1. Theo cách xếp loại của Ngân hàng Thế giới (tính từ ngày 01/7/2012), một nước được coi là thu nhập thấp nếu tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người/năm đạt thấp hơn hoặc bằng 1.025 USD, nước có thu nhập trung bình thấp nếu GNI bình quân dao động từ 1.026 USD - 4.035 USD, nước có thu nhập trung bình cao nếu GNI bình quân rơi vào khoảng 4.036 USD - 12.475 USD và thu nhập cao nếu GNI bình quân ở mức trên 12.476 USD. Như vậy, theo cách hiểu này, nước có thu nhập trung bình là các quốc gia có GNI bình quân đầu người vào khoảng từ 1.026 USD đến 12.475 USD. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 101,9 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.284 USD, tốc độ tăng trưởng đạt 5,05%. Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại những nút thắt, đó là chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, Việt Nam vẫn có thể vướng bẫy thu nhập trung bình. 2. Nhận diện các nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình Một là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, nên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng chậm. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425 USD; sau đó, tăng lên 3.526 USD vào năm 2020; năm 2021 là 3.694 USD; năm 2022 là 4.120 USD; đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Có thể nói, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua đang đặt ra một số thách thức về khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực. Gần 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam trải qua ba đợt khủng hoảng vào các năm 1997 - 1999; 2008 - 2011 và 2020 - 2021. Sau mỗi kỳ khủng hoảng, kinh tế nước ta có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Cụ thể như, tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước thời kỳ 1991 - 2000 khoảng 7,6%; thời kỳ 2000 - 2010 khoảng 6,6% và thời kỳ 2011 - 2020 là khoảng 6%. Chính tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và kéo dài trong nhiều năm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang chững lại. Hai là, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) chiếm tỉ lệ thấp. Mặc dù tăng liên tục qua các năm, tốc độ tăng TFP của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa có đột phá. Giai đoạn 2011 - 2020, TFP tăng bình quân 2,51%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 2,15%/năm; giai đoạn 2016 - 2019 tăng 3,37%/năm; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên TFP chỉ tăng 0,96%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, TFP của Việt Nam tăng 2,88%/năm2. Tuy nhiên, sự gia tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp không phải do sự phát triển vượt trội hơn của chính yếu tố này mà là do có sự suy giảm về quy mô ở mức cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng theo dự kiến. Sự đóng góp còn khiêm tốn của yếu tố TFP đã cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua vẫn được thực hiện theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, sự tăng trưởng cũng nghiêng về yếu tố vốn hơn là yếu tố lao động. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không bền vững. Mặt khác, hiệu quả và năng suất đầu tư công của Việt Nam còn thấp. Chúng ta biết rằng, đầu tư công ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thông qua: (i) Hiệu quả, tức là một lượng đầu tư công nhất định mang lại bao nhiêu về cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế; (ii) Năng suất, tức cơ sở hạ tầng vật chất được tạo ra tác động lan tỏa đến nền kinh tế như thế nào. Ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp, tỉ lệ đầu tư công khoảng 7% GDP (năm 2018). Đầu tư công ở các nền kinh tế mới nổi thường dao động từ 5 - 7% GDP. Tại Việt Nam, năm 2023, đầu tư công chiếm khoảng 6,8% GDP, tương đương các nền kinh tế mới nổi3. Như vậy, hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam cao hơn một chút so với các nền kinh tế đang phát triển thu nhập thấp và thấp hơn các nền kinh tế mới nổi. Còn về năng suất đầu tư công, Việt Nam nằm giữa nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi và các nước phát triển. Ba là, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Trong hai thập kỷ gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động, nhờ đó năng suất lao động đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 5,4%/năm, nhưng vẫn ở mức thấp trong khối ASEAN. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong cùng khu vực, sự chênh lệch năng suất lao động của Việt Nam càng trở nên rõ nét. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (1,2 lần). Để bắt kịp năng suất lao động và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tăng trưởng năng suất lao động liên tục với tốc độ 6,3 - 7,3%/năm. Gần đây, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Theo đó, so với năm liền kề trước, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,55% và năm 2019 tăng 6,28%; năm 2020 tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015. Năm 2023, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022)4. Mức tăng toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tuy vậy, mức tăng này là chưa đủ để giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Mặt khác, vẫn còn khoảng cách về năng suất lao động giữa các ngành kinh tế ở Việt Nam. Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp cao hơn nhóm ngành dịch vụ và gấp khoảng 3 - 3,5 lần năng suất lao động ngành nông nghiệp. Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Dù Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cụ thể trong giai đoạn 2010 - 2022, tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm từ 15,38% xuống 11,88%; tỉ trọng dịch vụ tăng từ 40,63% lên 41,33%; tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 33,02% lên mức 38,26%5. Động lực chính của quá trình chuyển đổi là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước tuy có sự cải thiện trong đóng góp vào kim ngạch xuất, nhập khẩu, nhưng lại kém cạnh tranh trong việc tác động vào cán cân thương mại. Năm 2023, cơ cấu nền kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%)6. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Song song đó, hiệu quả đầu tư của Việt Nam thấp thể hiện qua chỉ số ICOR vẫn tiếp tục tăng và ở mức cao. Chỉ số ICOR giai đoạn 2010 - 2019 đạt 5,9, các năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) tăng vọt lên mức 12,47 và 15,51. Tuy nhiên, trong năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì chỉ số này quay về mức 5,92, tương đương với giai đoạn trước đại dịch. Khi so sánh với các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam thì hệ số ICOR của Việt Nam ở mức tương đối cao. Năm là, năng lực cạnh tranh của quốc gia vẫn ở mức thấp. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách hành chính… Tuy nhiên, thực tế vận hành của nền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế như việc can thiệp vào cơ chế giá thị trường; khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lớn; hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, tồn tại nhiều bất cập, một bộ phận cán bộ còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công vẫn còn xảy ra… Trong khi đó, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đang bị giảm so với các nước cùng mức thu nhập. 3. Một số hàm ý chính sách để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường trong quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế tài chính doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp nhằm phục vụ quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, thực hiện phân bổ các nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường và theo các định hướng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Nhà nước. Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và phát triển đồng bộ các loại thị trường theo hướng hiện đại, nhất là thị trường chứng khoán, lao động, khoa học và công nghệ. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về giá, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp để tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược công nghiệp tổng thể phù hợp với mô hình và bước đi về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng hàm lượng khoa học và công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lợi thế cạnh tranh. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu lớn như dệt may, giày dép và linh kiện điện tử. Đồng thời, hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, logistics và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin… Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước. Kiên quyết điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lí. Tập trung đẩy mạnh thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, góp phần tháo gỡ các vấn đề tài chính cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng nói riêng trong quá trình tái cơ cấu. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xử lí những tồn tại về tài sản, tài chính, công nợ, xử lí lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phân định quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp. Thứ tư, ưu tiên nguồn lực đầu tư công để đầu tư các công trình quan trọng, thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển và đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng… Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo hướng đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư cho giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ… Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và công nghệ với sản xuất, phát huy sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí vĩ mô. Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lí vĩ mô của nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, thực hiện phối hợp hiệu quả trong quản lí kinh tế vĩ mô; tăng cường công tác thông tin kinh tế - xã hội, công tác kế toán, thống kê, giám sát, quản lí rủi ro và bảo đảm an toàn về nợ công và nợ nước ngoài quốc gia. Đồng thời, cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng bền vững, ổn định giá trị đồng tiền. Thực hiện các chính sách tín dụng, lãi suất, tỉ giá theo nguyên tắc thị trường; tăng cường hạ tầng tài chính bao gồm mở rộng và đào sâu dữ liệu tín dụng của người vay; giải quyết các thách thức về năng lực tài chính và bảo vệ người tiêu dùng và bảo mật dữ liệu. Tập trung xử lí nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. 4. Kết luận Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như kỳ vọng, năng suất lao động còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế…; tuy nhiên, hai điểm quan trọng đã khẳng định Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình là: Việt Nam vừa đang bước vào ngưỡng nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm ổn định vĩ mô nền kinh tế. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình một cách có hiệu quả, Việt Nam cần khơi thông các nguồn lực phát triển cho nền kinh tế, quan tâm đến những động lực tăng trưởng dài hạn, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số để tạo giá trị gia tăng và động lực tăng trưởng.
1 Thời báo Kinh tế Sài Gòn (2015), Thuật ngữ kinh tế, ngày 08/01/2015, tr. 6. 2 Hoàng Đức Thân và các cộng sự (2022), Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030, https://tapchicongsan.org.vn, cập nhật ngày 09/5/2022. 3 Đỗ Thiên Anh Tuấn (2023), Giải ngân đầu tư công chậm vẫn là vướng mắc từ luật và thể chế, Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 31/12/2023, tr. 9. 4 Tổng cục Thống kê (2023), “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023”, https://www.gso.gov.vn, cập nhật ngày 29/12/2023. 5 Tô Trung Thành (2021), Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 47 6 Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, https://www.mpi.gov.vn, cập nhật ngày 31/01/2024.
Tài liệu tham khảo: 1. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2023), Giải ngân đầu tư công chậm vẫn là vướng mắc từ luật và thể chế, Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 31/12/2023. 2. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Minh Tâm (2014), Việt Nam chủ động vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Tạp chí Cộng sản (Chuyên san Hồ sơ sự kiện), ngày 25/11/2014. 3. Tô Trung Thành (2021), Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Hoàng Đức Thân và các cộng sự (2022), Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030, https://tapchicongsan.org.vn, cập nhật ngày 09/5/2022. 5. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (2015), Thuật ngữ kinh tế, ngày 08/01/2015. 6. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, https://www.gso.gov.vn, cập nhật ngày 29/12/2023.